Phong tục cúng gia tiên ba ngày Tết của người Việt Nam

Theo tục lệ cổ truyền, cứ đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch, Táo Quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng. Vị Táo Quân quanh năm ở trong bếp nên biết hết mọi chuyện hay dở tốt xấu của mọi người, cho nên để Vua Bếp “phù trợ” cho mình được nhiều điều may mắn trong năm mới.

Thờ cúng tổ tiên đã trở thành nếp sống, phong tục, nét văn hóa tâm linh truyền thống của người Việt. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên rất giản dị: tin rằng tổ tiên mình là thiêng liêng, họ đi vào cõi vĩnh hằng nhưng vẫn sống cạnh con cháu, họ phù hộ cho con cháu khi gặp tai ách, khó khăn.

Tết cổ truyền của người Việt được khai hội từ ngày 23 tháng Chạp kéo dài đến ngày tiễn ông bà là xem như mãn tiệc

Bắt đầu từ 23 tháng Chạp

Theo tục lệ cổ truyền, cứ đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch, Táo Quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng. Vị Táo Quân quanh năm ở trong bếp nên biết hết mọi chuyện hay dở tốt xấu của mọi người, cho nên để Vua Bếp “phù trợ” cho mình được nhiều điều may mắn trong năm mới.

 

Ngay từ buổi sáng ngày 23 tháng Chạp, hoặc tối trước đó 1 ngày, các bà nội trợ trong nhà phải lau chùi sạch sẽ bếp nấu, lau sạch bàn bếp, quét mạng nhện… Xưa các gia đình phải dọn tro bếp củi, bếp than, còn hiện nay hầu hết các gia đình mua nước rửa kim loại, nước rửa kính về chùi bếp gas sạch bóng.

Cúng ông Táo làm to nhỏ, chay mặn tùy khả năng mỗi gia đình. Mâm lễ mặn (có thể là xôi gà, chân giò luộc, thịt ba rọi luộc, các món nấu nấm, măng…) hay lễ chay (với trái cây, chè, xôi, bánh…) để tiễn Táo Quân. Ngoài ra, đối với những nhà có trẻ con, người ta còn cúng Táo Quân một con gà luộc, loại gà cồ ngụ ý nhờ Táo quân xin với Ngọc Hoàng Thượng Đế cho đứa trẻ sau này lớn lên có nhiều nghị lực và sinh khí hiên ngang như con gà cồ.

Trước đây lễ vật cúng Táo Quân thường phải có 3 chiếc mũ giấy, gồm hai mũ đàn ông và một mũ đàn bà. Lễ cúng thường diễn ra trước 12h trưa, sau khi cúng xong, người ta sẽ hóa vàng (đốt) đồ lễ, nếu có cá sống thì sẽ đem thả xuống sông, hồ, biển hay giếng nước, tùy theo khu vực họ sinh sống. Nhưng hiện nay, theo quan điểm mới hạn chế đốt vàng mã, ở nhà chung cư cũng khó có điều kiện thả cá chép, nên các gia đình chỉ bày mâm cỗ và thắp nhang vào buổi trưa ngày 23 tháng Chạp để bày tỏ lòng thành kính.

Chuẩn bị Tết

Từ 23 Tháng Chạp trở đi, là giai đoạn chuẩn bị Tết của các gia đình. Dọn dẹp, sơn phết nhà cửa, giặt giũ rèm cửa, đánh bóng lư đồng, sắm sửa đồ dùng mới… tất cả được làm trong khoảng thời gian này.

Ngày tết, bàn thờ là tâm điểm của các hoạt động tâm linh, là nơi ngự vị của các bậc tiền nhân trong gia đình, vì thế việc lau dọn sạch sẽ bàn thờ là công việc phải được chú ý kỹ lưỡng nhất cũng như thực hiện một cách cẩn thận, tỉ mỉ.

Chổi quét hoặc khăn lau bàn thờ thường được dùng riêng, và rất hạn chế sự chung đụng. Nước lau bàn thờ thường được dùng từ nguồn nước sạch sẽ. Không gian thờ tự là không gian thiêng liêng trong gia đình, là nơi lưu giữ nhiều ẩn ức tình cảm giữa các thế hệ, chính vì thế việc giữ gìn bàn thờ luôn sạch sẽ, mát mẻ không chỉ thể hiện sự chăm sóc và tôn kính của con cháu đối với ông bà tổ tiên mà còn là sự chăm sóc đến cái tôi tâm linh ở mỗi con người. Do vậy những việc tưởng chừng nhỏ nhặt như đánh sáng lại bộ lư đồng, lau chùi khung ảnh, thay cát bát nhang… thể hiện tình cảm và lòng thành kính của con cháu với ông bà, cha mẹ, tổ tiên…

Để suốt những ngày tết, trên bàn thờ là mâm ngũ quả, 3 chén nước, bình hoa lớn (có thể là hoa cúc, hoa huệ, hoa lay ơn, hoa mai, hoa đào)…, bình (hoặc chai rượu ngon). Để bàn thờ thêm đẹp mắt, tùy theo phong tục từng miền, có thể chưng bày thêm bánh in, bánh tổ, bánh tét, bánh chưng, mứt, cặp dưa hấu…

Việc thắp sáng cho bàn thờ ngày Tết cũng được bắt đầu từ ngày 30, với loại nhang vòng, hay nhang que loại lớn, cháy liên tục trong nhiều ngày với nhiều ý nghĩa biểu trưng như các vì tinh tú đang tỏa sáng, sự chăm lo ân cần của con cháu… Hương khói còn tạo nên một không khí ấm cúng nơi gian thờ, gắn kết tình cảm và ước nguyện hạnh phúc của mọi người trong một gia đình. Nhang dùng cho những ngày Tết cũng thường là các loại có mùi thơm đặc biệt ví dụ như nhang trầm…

Đón ông bà về ăn Tết

Việc đón ông bà về ăn Tết cùng con cháu được bắt đầu từ trưa ngày 30 tết. Tuy nhiên, nhiều gia đình bận rộn có thể đón vào chiều 30, hoặc đêm giao thừa. Thức cúng là mâm cơm với các sản vật ngày Tết, thường có con gà và mâm ngũ quả, ngoài ra có thể dùng các món như thịt kho, canh khổ qua, canh măng.

Các ngày tiếp theo, mỗi ngày đều có cúng cơm và đèn nhang phải giữ thắp suốt mấy ngày Tết cho đến hết Tết, đến khi làm lễ tiễn ông bà (lễ hóa vàng) thì việc thờ cúng gia tiên trong ngày Tết mới coi là đã hoàn tất. Trong mấy ngày này, nhang đèn luôn thắp sáng trên bàn thờ để thể hiện lòng tôn kính của con cháu với tổ tiên. Vì vậy để giữ hương khói không bị ngắt quãng, có thể dùng nhang vòng.

Ở đây, cùng với nghi thức đón ông bà, cũng là ngày gia đình sum họp lại với nhau để ăn cơm buổi tất niên, nên còn gọi là cúng tất niên.

Vào đêm 30 (hoặc đêm 29), để đón ông bà, cũng như ghi nhận thời khắc năm mới, trong gia đình thường có 2 mâm cúng: 1 mâm trên bàn thờ đón gia tiên, một mâm để ngoài sân cúng trời đất. Mâm cúng đêm 30, một số gia đình chỉ dùng đơn giản là dĩa trái cây, chén chè, dĩa xôi, bình hoa tươi và 3 nén nhang. Lễ cúng đêm giao thừa, còn gọi là lễ trừ tịch.

Ngày 30, cũng là thời điểm cuối cùng để hoàn tất việc dọn dẹp, bỏ qua những điều không may của năm cũ đển chuẩn bị đón năm mới. Buổi tiệc tất niên, cũng như lễ cúng giao thừa, mọi chuyện buồn phiền, xích mích giữa các thành viên gia đình, hàng xóm láng giềng đều được cho qua.

Tiễn ông bà

Trước kia, lễ tiễn ông bà, hay còn gọi là hoá vàng kết thúc Tết Nguyên đán có thể diễn ra vào mùng 5, mùng 7 hay mùng 10 là tùy thuộc vào thời gian ăn tết ngắn hay dài của các gia đình.

Hiện nay, theo quy định công chức phải đi làm từ mùng 4 tết, hầu hết ở các khu đô thị, lễ tiễn ông bà thường diễn ra vào mùng 3 tết, tại nhà. Nhà nhiều anh em có chia nhau thờ cúng thì người ta có thể đưa ông bà từ ngày mùng hai Tết. Và sắp xếp để người anh lớn nhất hoặc người có cha mẹ ở chung thì làm lễ đưa ông bà ngày cuối. Đây cũng là cách làm hay để mọi người trong gia đình luân phiên đến nhà nhau.

Trong lễ này, dù giàu hay nghèo, gia đình nào cũng cố gắng sắm sửa một mâm cơm có đủ các món ăn truyền thống như gà luộc, bánh chưng, thịt kho… để thắp hương dâng lên tổ tiên, những người thân đã khuất bóng để cầu xin tổ tiên phù hộ cho một năm mới an lành, nhiều may mắn.

Con gà cúng ngày mùng 3 phải chọn thật no tròn, chắc nịch, có cặp chân đẹp, bày biện thật long trọng. Mâm cơm phải có canh rau, đồ xào, các loại nước chấm, trà rượu để ông bà mát ruột, hài lòng. Chân gà giữ lại để treo đằng cửa cùng với hình ông cọp, bộ tiền vàng mã cũng phải chuẩn bị thật chu đáo.

Thủ tục cúng gia tiên

Cúng gia tiên là cúng tổ tiên trong nhà, là nghĩa vụ thiêng liêng của con cháu để tỏ lòng nhớ ơn nguồn cội của mình “Cây có cội nước có nguồn”.

Cúng gia tiên là thể hiện sự hiếu thảo và tình thương yêu của con cháu đối với người quá cố. Cúng gia tiên trong ba ngày Tết bày tỏ lòng tri ân, thương nhớ của con cháu đối với tổ tiên nguồn cội. Việc cúng kính không chú trọng ở hình thức mâm cao cỗ đầy mà chú trọng ở nội dung, đó là tấm lòng thành kính tri ân thương nhớ và noi gương.

Khi cúng gia chủ phải ăn mặc chỉnh tề, lên đèn, đốt hương, đánh chuông, hai tay chắp lại đưa lên ngang trán và khấn, khi khấn nêu ngày tháng, làng xã, tên mình, tên vợ con, tên người quá cố, lễ vật cúng, lý do cúng, cầu nguyện… rồi tùy theo vị trí lớn nhỏ của mình đối với người quá cố, nếu nhỏ thì lạy 4 lạy hoặc vái 4 vái. Việc cúng kính tuỳ thuộc vào đức tin và đời sống đạo đức của mình.

 

Cúng là bày lễ vật, lên đèn thắp hương, khấn, vái, lạy. Khấn là lời cầu khẩn lầm rầm trong miệng, khấn xong thì vái từ 2 đến 5 vái, tùy theo từng trường hợp, mỗi lần vái đầu cúi xuống: Lầm rầm khấn vái nhỏ to (Kiều). Nếu vái là cử chỉ chào hỏi kính cẩn, thì lạy là hành động chỉ sự tôn kính từ tâm hồn đến thể xác đối với người trên hay người quá cố ở vào bậc trên của mình.

Đàn ông lạy đứng nghiêm, hai tay chắp lại để trước ngực giơ lên ngang trán, mình cúi xuống, hai bài tay xòe ra úp xuống, chiếu, quỳ gối trái rồi gối phải rạp đầu xuống theo thư thế phủ phục, sau vài giây cất người lên hai bàn tay để lên đầu gối trái vừa co lên đưa tới trước nửa bước để lấy đà đứng dậy, chân phải đang quỳ cũng theo đà đứng dậy, rút chân trái về ngang chân phải đứng nghiêm, là xong một lạy. Lạy xong vái 3 vái rồi lui ra.

Phụ nữ lạy ngồi trệt xuống đất để 2 cẳng chân vắt chéo về bên trái, bàn chân phải ngửa lên để hai cẳng chân vắt chéo về bên trái, bàn chân phải ngửa lên để dưới đùi chân trái, nếu mặc áo dài thì kéo tà áo trước trải về phía trước, tà áo sau trải về phía sau, rồi chắp 2 bàn tay để trước ngực đưa lên ngang trán cúi đầu xuống, hai bàn tay úp xuống chiếu, đầu đặt lên hai bàn tay. Sau vài giây đẩy hai bàn tay để lấy thế ngồi thẳng lên, chắp hai bàn tay đưa lên ngang trán là xong một lạy.

Lạy, xong đứng lên vái 3 vái rồi lui ra. Nhiều người theo cách lạy khác, hai đầu gối quỳ xuống chiếu, mông để lên 2 gót chân, hai bàn tay chắp lại đưa lên ngang trán, hai bàn tay giữ ở vị thế chắp, mình cúi xuống khi gần tới chiếu thì hai bàn tay xòe ra úp xuống chiếu đặt đầu lên hai bàn tay, cứ thế mà lạy.