Độc đáo lễ hội rước ông lợn khổng lồ ở La Phù Hà Nội

Năm nào cũng vậy, đúng ngày 13 tháng Giêng, bất kể nắng hay mưa, dân làng La Phù vẫn giữ truyền thống mổ lợn và rước lợn vào đình làng.

Lễ hội rước lợn ở La Phù, Hoài Đức (Hà Nội) diễn ra vào ngày 13/1 âm lịch hàng năm thu hút hàng nghìn người tham dự.

Từ lâu, lễ rước “Ông lợn” đã trở thành một nét đẹp văn hóa tâm linh của người dân làng La Phù (huyện Hoài Đức, Hà Nội). Tương truyền, lễ rước “Ông lợn” là dịp để dân làng tưởng nhớ công ơn của Tĩnh Quốc Tam Lang dưới thời Hùng Duệ Vương thứ 6 đã có công đánh giặc giữ vững bờ cõi. Trước mỗi khi lên đường đi đánh giặc ông lại thổi xôi, mổ lợn khao quân. Người dân trong làng khi đó thường mang lợn đến dâng và tôn ông là Thành Hoàng làng.

Năm nào cũng vậy, đúng ngày 13 tháng Giêng, bất kể nắng hay mưa, dân làng La Phù vẫn giữ truyền thống mổ lợn và rước lợn vào đình làng. 

Để chuẩn bị cho lễ hội rước “ông”, ngay từ đầu năm trước, mỗi xóm chọn ra một gia đình khá giả, không có tang để nuôi “ông lợn”. Cả một xóm sẽ cùng nhau góp chi phí để nuôi “ông”. Mỗi “ông lợn” sẽ được chăm sóc đặc biệt riêng như: được tắm rửa hàng ngày, được mắc màn cho khỏi muỗi, thậm chí lắp cả quạt khi trời nóng.

Nếu có “ông lợn” nào bỏ ăn là gia đình nuôi “ông” phải mang lễ ra đình làng cầu khấn mong “ông” khỏe lại. Đặc biệt, trước ngày hội, “ông lợn” sẽ được ăn cháo chay cho thanh tịnh. Đến lúc tế lễ, mỗi “ông lợn” thường sẽ trọng lượng khoảng hơn 200kg.

 

Ngay từ sáng sớm, những người đàn ông trong làng đã đi bắt các "Ông lợn" đem về gia đình được chọn đăng cai làm lễ của xóm. Các "Ông lợn" này được dẫn đi chứ bị trói để tránh bị thâm tím và xây xát.

Trước khi bắt lợn, người chủ nuôi cũng phải làm lễ để xin phép thần linh, tổ tiên. Việc làm thịt diễn ra rất cẩn thận bởi đây là lễ dâng tế Thành Hoàng làng nên "Ông lợn" phải trắng sạch.

Điều quan trọng trong việc mổ các "Ông lợn" là phải bóc thật khéo léo lớp mỡ màng. Lớp mỡ này sẽ được dùng để làm áo choàng cho các "Ông lợn" khi dâng tế. Bên cạnh thịt lợn thì việc chuẩn bị môt bàn lộc là điều khá quan trong trong mỗi lễ rước của các xóm. Bàn lộc sẽ gồm một mâm hoa quả lớn, hoa, nến, hương... Các "Ông lợn" thường có khối lượng lớn nên việc đưa lên giá cũng cần đến cả chục người. 

Việc quan trọng và cẩn thận nhất là khoác áo choàng lên cho "Ông lợn". Áo choàng là lớp mỡ được bóc ra từ chính "Ông lợn". Ngoài ra, còn một số phụ kiện khác như: tai giả, mắt giả, mũi giả... để thêm đẹp mắt. Dân làng quan niệm, một ông lợn to, đẹp được dâng tế sẽ đem lại nhiều may mắn cho xóm làng.

Đúng 18h tối ngày 13 tháng Giêng, các "Ông lợn" của các xóm được rước về đình để chuẩn bị cho lễ tế. Mỗi đoàn rước sẽ gồm 3 kiệu chính: bàn lộc, mâm xôi và "Ông lợn". Trước mỗi đoàn là một phường kèn trống. Đúng 21h, các "Ông lợn" được rước vào đình dưới sự hướng dẫn của BTC và các cụ cao tuổi. Đến 12h đêm, các cụ cao tuổi bắt đầu làm lễ tế cho tới 1-2h sáng hôm sau. Sau đó, các xóm sẽ khiêng lợn trở lại nhà và đến sáng sẽ bắt đầu chia lợn cho các hộ gia đình. 

Tiêu chí chấm giải là “ông lợn” nào to, trang trí đẹp, oai vệ sẽ đoạt giải của làng. “Ông lợn” sau khi đoạt giải sẽ được tế tại đình làng và xẻ thịt chia đều cho các hộ trong xóm có lợn đoạt giải.

Thông tin cho bạn:

– Làng La Phù thuộc huyện Hoài Đức, Hà Nội, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 20km. Từ Hà Nội, bạn đi qua cầu Hà Đông, rẽ phải rồi đi thẳng khoảng 10km là đến làng.

– Lễ hội kéo dài từ mùng 7 đến ngày 15 tháng Giêng, trong đó, màn rước lợn tế lễ lên đình làng diễn ra vào tối ngày 13.