Truyền thống văn hóa trong tín ngưỡng, tôn giáo Việt Nam

Người Việt tin rằng tổ tiên mình rất linh thiêng, mặc dù đã đi vào cõi vĩnh hằng nhưng vẫn sống cạnh con cháu, luôn phù hộ cho con cháu gặp nhiều điều may mắn, cuộc sống được bình an, ấm no, hạnh phúc; che chở cho con cháu khi gặp tai ương, bệnh tật và cũng quở trách nhưng không trừng phạt khi con cháu mắc điều xấu.

“Tôn trọng giá trị văn hóa, đạo đức tôn giáo; giữ gìn và phát huy những giá trị tích cực của truyền thống thờ cúng tổ tiên, tưởng niệm và tôn vinh những người có công với nước, với cộng đồng nhằm góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân” là nội dung Điều 5, chương I của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo đã khẳng định".

             Thờ cúng tổ tiên đối với người Việt vừa là đạo lý vừa là tín ngưỡng, nhưng trước hết là đạo lý và được coi là một đạo lý gốc của đời sống con người trong mỗi dòng họ, gia đình. Người Việt tin rằng tổ tiên mình rất linh thiêng, mặc dù đã đi vào cõi vĩnh hằng nhưng vẫn sống cạnh con cháu, luôn phù hộ cho con cháu gặp nhiều điều may mắn, cuộc sống được bình an, ấm no, hạnh phúc; che chở cho con cháu khi gặp tai ương, bệnh tật và cũng quở trách nhưng không trừng phạt khi con cháu mắc điều xấu.

 

             Ở nước ta, từ Bắc chí Nam, từ vùng đồng bằng đến miền núi, ở đâu cũng dễ thấy những đình, đền, am miếu thờ những vị anh hùng dân tộc đã có công dẹp giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi, bảo vệ nền độc lập tự do cho Tổ quốc; thờ các danh nhân văn hóa hay ông tổ đã dạy nghề cho người dân ở đó biết cách khai hoang lập ấp, trồng trọt, chăn nuôi, làm nghề để đảm bảo cuộc sống hàng ngày. Có những người đã được nhân dân tôn vinh là thành hoàng làng. Thông qua các hoạt động thờ cúng, lễ hội đã nhắc nhở mọi người luôn hướng về cội nguồn, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tri ân công đức của tổ tiên cũng như đối với các vị anh hùng của quê hương, đất nước; đồng thời tạo ra sự gắn bó trước hết trong mỗi cộng đồng, dòng họ, và sau đó ở trong từng khu vực và cả đất nước. Thực tế đã cho thấy, thông qua những hoạt động đó, đạo đức con người được nâng cao, làm giảm bớt những thói hư tật xấu và tệ nạn xã hội vì tuyệt đại đa số những người tham gia vào các hoạt động thờ cúng, lễ hội đều sợ làm những việc có lỗi với tổ tiên, với các bậc tiền bối, các vị thần thánh và cũng nhờ đó đã góp phần phát triển bền vững, tốt đẹp mối quan hệ xã hội. Vào những dịp lễ hội ở mỗi làng quê, mỗi khu vực, mọi người lại có dịp tìm hiểu, tưởng nhớ công lao, bày tỏ lòng tôn kính, trân trọng tri ân những vị tiên hiền đã được dân tôn thờ là thần, thánh vì đã có công với nước, với dân hay vào ngày giỗ của mỗi gia đình, dòng họ, con cháu lại có dịp đoàn tụ, thành tâm thắp nén hương thơm tưởng nhớ tổ tiên, ông bà - những người đã có công sinh thành, dưỡng dục các thế hệ trưởng thành. Đây cũng là dịp để con cháu bảo ban nhau, cùng giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông để lại. Có thể khẳng định rằng, thông qua các lễ hội, ngày giỗ, mọi người tiếp thu được cái hay, cái đẹp và tự mình thấy phải sống tốt hơn, sống có đạo đức, có văn hóa. Do đó, con cháu phải làm những việc ích nước lợi dân, mang lại vẻ vang cho gia đình và làm rạng rỡ tổ tiên, dòng họ, quê hương.

            Thờ cúng tổ tiên còn thể hiện đức tính hiếu thảo và trách nhiệm của con cháu. Trong tục thờ cúng tổ tiên, người Việt Nam rất coi trọng việc cúng giỗ vào ngày mất vì tin rằng đó là ngày mà con người đi vào cõi vĩnh hằng. Ngoài các ngày giỗ, ngày lễ Tết trong năm, các gia đình còn cúng tổ tiên vào những ngày có sự kiện quan trọng như: con gái lấy chồng, con trai lấy vợ, làm nhà, làm ăn phát đạt. Khi con cháu đi thi đỗ đạt đều về quê bái tạ tổ tiên. Mọi người quan niệm rằng nhờ “Hồng phúc của tổ tiên”, con cháu mới thành đạt, được thăng quan tiến chức, gặp nhiều thuận lợi, may mắn.

            Đối với người Việt Nam, chữ Hiếu rất quan trọng bởi vì nếu chữ Hiếu bị phai mờ sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến tính bền vững của gia đình, cộng đồng và ý thức về tổ tiên vì thế cũng nhạt đi. Không hiếu thảo với cha mẹ lúc còn sống thì lòng tôn kính tổ tiên chắc sẽ hạn chế và thờ ơ với việc thờ cúng tổ. Bởi vậy, người Việt Nam rất lo nếu đánh mất lòng hiếu thảo với cha mẹ, coi nhẹ việc thờ cúng tổ tiên vì nó sẽ làm ảnh hưởng đến tinh thần của gia đình, dòng họ, làm mất truyền thống của cha ông. Do vậy, có người nước ngoài đã nhận xét rằng giá tri của mỗi người Việt chính là gia đình-trụ cột của toàn bộ xã hội. Gia đình giữ vai trò “Thể chế căn bản của xã hội” đã hàng ngàn năm, với cơ cấu nội bộ chặt chẽ, tôn ti trật tự và nền nếp vẫn được duy trì đến ngày nay. Vì thế cái đại gia đình của người Việt bao gồm con cháu đang sống và những người đã khuất vô cùng quan trọng. Đạo lý “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” thông qua việc tưởng nhớ và thành kính tri ân những người có công sinh thành, nuôi dưỡng, tạo dựng cuộc sống cho mình đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người Việt Nam từ ngàn đời nay, tạo thành đạo lý chung của con người Việt Nam luôn hướng về cội nguồn của dân tộc. Bởi lẽ, tình yêu quê hương, đất nước trước hết phải bằng tình yêu chính gia đình, dòng họ, yêu nơi chôn nhau cắt rốn của mình.

           Người Việt dù đi đâu, ở đâu, vẫn hướng về nơi quê cha đất tổ, nơi có bàn thờ tổ tiên, có mồ mả cha ông mình. Đại đa số người Việt tìm thấy ở thờ cúng tổ tiên một điểm tựa tinh thần bền vững trong sự biến động của xã hội.

 

            Hai yếu tố đạo lý và tín ngưỡng làm nền tảng cho sự thờ cúng tổ tiên đã và đang làm cho nó trở thành một nét sâu đậm trong đời sống tâm linh của người Việt. Vì vậy, sự thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam là chỗ dựa để chống lại những làn sóng xâm nhập văn hóa ồ ạt từ bên ngoài đe dọa làm mất bản sắc văn hóa dân tộc, ngoại trừ những ảnh hưởng văn hóa lành mạnh. Nhiều người rất lo lắng về sự xói mòn bản sắc văn hóa dân tộc, khiến cho những giá trị lành mạnh truyền thống bị mai một trong xu thế toàn cầu hóa.

           Trong những năm qua, có hiện tượng một vài tôn giáo hoặc đạo lạ thâm nhập vào những nơi người dân từ bao đời nay có truyền thống thờ ma, thờ thần, thờ ông bà, tổ tiên đã bắt người dân phải bỏ bàn thờ tổ tiên gây ra mâu thuẫn, làm mất đoàn kết trong mỗi gia đình, trong dòng họ và cộng đồng, ảnh hưởng đến cuộc sống bình yên của người dân. Đạo Công giáo truyền vào Việt Nam từ năm 1533, đã buộc người dân theo tôn giáo này bỏ thờ cúng tổ tiên nhưng đến đầu những năm bảy mươi của thế kỷ XX, Tòa thánh Vatican đã phải chấp nhận cho người Việt Nam theo đạo Công giáo trở lại tập quán thờ cúng tổ tiên. Điều đó cho thấy, việc hiểu biết về phong tục, tập quán của mỗi vùng, mỗi dân tộc là rất cần thiết để tránh những sự xung đột về văn hóa, giữa cái cũ và cái mới vì cuộc sống của người dân./.